Giới thiệu

Posted: 02/09/2010 in Tuổi trẻ Tình Yêu Lý tưởng

Đây là cuốn sách của thầy Nhất Hạnh do nhà xuất bản Lá Bối phát hành.

Này người bạn trẻ, tôi muốn mời anh, tôi muốn mời chị tham dự vào một giấc mơ, tôi tạm gọi giấc mơ ấy là giấc mơ Việt Nam.

Giấc mơ chung của chúng ta

Giấc mơ Việt Nam là có một nước Việt Nam thật đẹp, thật hiền, chơi chung với các nước Cam-pu-chia, Lào, Thái Lam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar, với Hàn Quốc, với Nhật Bản và sau đó, với cả Trung Quốc, một cách thân ái trong tình huynh đệ, dân chúng các nước qua lại không cần chiếu khán, và tất cả sử  dụng một đồng bạc chung.

Giấc mơ Việt Nam là dân tộc Việt Nam biết để thì giờ ra để đi chơi, ngồi chơi, leo núi, đi biển, sống với cảnh đẹp thiên nhiên, hang ngày có nhiều cơ hội dựng xây tình huynh đệ mà không để hết thì giờ chạy theo sắc dục, tiền bạc, quyền hành và danh vọng.

Giấc mơ Việt Nam là trẻ em và người lớn đều ý thức được rằng đất hứa, thiên đường hay cõi tịnh độ là cái đang có mặt ở đích thực trong giờ phút hiện đại, và ta phải biết và phải có khả năng thích ý rong chơi.

Giấc mơ Việt Nam là người Việt có khả năng sống đơn giản mà hạnh phúc, có thì giờ và tình thương để làm việc giúp cho người trong nước và ngoài nước vượt thắng nghèo khổ, bệnh tật, thất học, hòa giải được người thân và tìm được nguồn vui sống.

Giấc mơ Việt Nam là sông, núi, rừng, biển và ruộng vườn của chúng ta được bảo vệ an lành để chúng ta và con cháu chúng ta cũng như thế giới cũng được bảo vệ an lành và để cho mọi người được tiếp tục thừa hưởng tất cả những gì hung vĩ, cẩm tú và giàu sang của đất nước này.

Giấc mơ Việt Nam là những người Việt sống trong một nước có quyền tín theo bất cứ một tôn giáo, một chủ thuyết nào, nhưng tất cả đều thấy được rằng không có tôn giáo và chủ thuyết nào cao hơn tình huynh đệ, cao hơn lòng cởi mở và lượng bao dung, và bất cứ ai cũng học được và thừa hưởng được những châu báu của các truyền thống và quan điểm khác để làm giàu cho tuệ giác và hạnh phúc của mình.

Giấc mơ Việt Nam là các quốc gia lân cận, kể cả Trung Quốc, biết thương mến và thưởng thức cái đẹp và cái dễ thương của đất nước, văn hóa và con người Việt Nam mà không còn có ý muốn xâm chiếm và giành giật nhau, tại vì người Việt đã học được cách bảo vệ sông núi, văn hóa và con người của mình bằng nếp chung sống hòa bình, bằng tình huynh đệ, bằng tài ngoại giao, bằng nếp sống tương trợ với các nước xung quanh mà không tin rằng chỉ có vũ khí và quân sự mới làm được chuyện ấy.

Bình luận về bài viết này